Ngành dịch vụ Việt Nam sau 7 năm gia nhập WTO
23/06/2015 16Đã gần 8 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, có thể thấy rõ sự thay đổi đến đời sống xã hội và kinh tế.
Có những thành tựu như tăng trưởng GDP liên tục hai con số, hàng trăm ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ được mở ra và có cơ hội phát triển, đóng góp vào tăng trưởng của quốc gia, ngành dịch vụ đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá, chất lượng dịch vụ ngày càng tăng, thu nhập và mức sống chung được nâng cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng gặp không ít thách thức, như số doanh nghiệp bị thâu tóm hay giải thể tăng mạnh, nền kinh tế dễ bị tổn thương của khủng hoảng kinh tế. Sự chuẩn bị chưa tốt trong cải cách thể chế, cải cách hành chính dẫn đến nhiều bất cập. Khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bị ảnh hưởng nặng nhất. Trong báo cáo gần đây của nhóm nghiên cứu kinh tế Fulbright, 4 động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam bao gồm doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân trong nước, các hộ kinh doanh nông sản, nông nghiệp và FDI; trong đó chỉ có khối FDI tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với những ưu đãi của Việt Nam, các thành phần còn lại đều gặp khó khăn về thể chế.
Có thể thấy, một trong những thách thức lớn nhất khi gia nhập WTO là sự thử thách về chất lượng pháp luật và năng lực thể chế. Đặc biệt, theo một khảo sát mới đây, khối ngành chịu nhiều áp lực nhất trong thời gian qua chính là các ngành dịch vụ như tài chính, bảo hiểm, tư vấn…. do thách thức với các ngành dịch vụ không chỉ đến từ vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế để đáp ứng các cam kết WTO, mà còn từ việc chưa dự đoán được về ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đối với những nhóm ngành nhạy cảm này.
Một số ảnh hưởng của hội nhập đối với ngành dịch vụ
Việc gia nhập WTO đem đến nhiều cơ hội nhưng cũng kèm theo nhiều hệ lụy. Một trong số đó là tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ nước ta vẫn ở mức cao, nhưng không ổn định và có xu hướng giảm sút. Năm 2007 tốc độ tăng trưởng đạt 8,85%. Sau hai năm là thành viên WTO, tốc độ tăng trưởng dịch vụ Việt Nam chỉ đạt 7,73% năm 2008, 6,63% năm 2009; 7,52% năm 2010 và 6,24% trong 9 tháng đầu năm 2011. Xu hướng này không tốt với nền kinh tế, có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới và thiếu một chiến lược phát triển ngành dịch vụ chất lượng cao. Bên cạnh đó, về cơ cấu, 12/13 phân ngành có tốc độ tăng trưởng không ổn định.
Gia nhập WTO mang đến nhiều động thái tích cực cho lĩnh vực dịch vụ Việt Nam. Trong 3 ngành kinh tế, ngành dịch vụ có khả năng đóng góp vào GDP thứ hai sau công nghiệp – xây dựng, với mức tăng trưởng khiêm tốn so với tiềm năng phát triển của ngành trong điều kiện mở cửa và hội nhập với thế giới. Đồng thời, chỉ duy nhất có ngành dịch vụ (trong 3 nhóm ngành công nghiệp – xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ) có tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2007-2011 tăng nhẹ so với giai đoạn 5 năm trước khi gia nhập WTO (7,5% so với 7,4%).
Trong giai đoạn 2007-2011, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của các ngành dịch vụ chủ chốt như thương mại, khách sạn - nhà hàng, tài chính - tín dụng, giáo dục - đào tạo, vận tải - bưu điện - du lịch vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Hai ngành có tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước là dịch vụ khách sạn nhà hàng và dịch vụ tài chính tín dụng.
Về cơ cấu, dịch vụ truyền thống tiếp tục phát triển song hành với các dịch vụ mới, hiện đại và có giá trị gia tăng cao. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo xu hướng gia tăng lao động trong ngành dịch vụ. Đặc biệt, mức thu nhập bình quân của lao động trong một số ngành dịch vụ mới, hiện đại và có giá trị gia tăng cao như tài chính, viễn thông, vận tải khá cao.
Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực có sự thay đổi theo hướng tích cực: Ví dụ lĩnh vực bán lẻ. Trước khi Việt Nam mở cửa thị trường phân phối bán lẻ theo cam kết của WTO, có nhiều ý kiến lo ngại các tập đoàn phân phối đa quốc gia với sức mạnh tài chính, kinh nghiệm bán hàng hiện đại sẽ tràn vào làm sụp đổ kênh bán lẻ truyền thống trong nước. Thế nhưng, sau gần 8 năm gia nhập WTO cho thấy có một luồng gió mới, góp phần thay đổi diện mạo của ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam, đem lại nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng và còn là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vươn lên, chấp nhận và sẵn sàng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Mặc dù, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành bán buôn bán lẻ Việt Nam chiếm tỷ lệ khá lớn, riêng năm 2010 có 177 dự án FDI đầu tư vào Việt Nam trong toàn bộ 1.237 dự án hiện có với tổng vốn đăng ký là 462 triệu USD, nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn cạnh tranh và lớn mạnh.
Một trong những thay đổi tích cực khác mà việc gia nhập WTO đem lại cho Việt Nam đối với ngành dịch vụ là một hệ thống pháp luật và khung chính sách ngày càng hoàn thiện. Theo điều 2 Nghị quyết 71/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam áp dụng trực tiếp các quy định của WTO trong trường hợp pháp luật Việt Nam không phù hợp với các quy định của tổ chức này. Điều đó thể hiện rõ lập trường, quan điểm của Việt Nam là tôn trọng thực thi các cam kết quốc tế ngay cả trong trường hợp các cam kết đó khác với chuẩn mực pháp lý của Việt Nam. Nguyên tắc áp dụng điều ước quốc tế là nhân tố bổ sung nhằm bảo đảm chuẩn mực quốc tế vẫn được tôn trọng một khi pháp luật quốc gia chưa tiếp cận với pháp luật quốc tế.
Kết quả rà soát sơ bộ của Bộ Tư pháp thực hiện năm 2007 cho thấy tổng số các văn bản quy phạm pháp luật ban hành ở cấp Trung ương được rà soát, đối chiếu và nhận thấy có liên quan trực tiếp đến các hiệp định của WTO là 325 văn bản (43 luật; 31 pháp lệnh; 102 nghị định; 8 quyết định của Thủ tướng; 1 chỉ thị của Thủ tướng; 66 thông tư; 71 quyết định của bộ trưởng; 1 công văn của các bộ, ngành; 2 văn bản của Tòa án Tối cao). Tổng số các văn bản quy phạm pháp luật ban hành ở cấp Trung ương được kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các cam kết WTO là 44 (16 luật, 1 pháp lệnh, 18 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng; 8 văn bản cấp bộ); được kiến nghị ban hành là 42 (8 luật, 3 pháp lệnh, 14 nghị định, 17 văn bản ở cấp bộ). Đó là chưa kể các văn bản cần được ban hành để thực thi quyền lợi của thành viên trong quan hệ thương mại quốc tế với các nước.
Pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện và tạo hành lang thoáng đãng, tích cực hơn đối với thương mại quốc tế. Đặc biệt, năm 2014 đánh dấu một năm Việt Nam có nhiều sửa đổi với các luật quan trọng có liên quan đến kinh tế nói chung và dịch vụ nói riêng, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật hải quan, Luật đầu tư công, Luật phá sản… Về mặt thể chế, với những cam kết gia nhập WTO, thể chế công và hệ thống pháp luật được cải thiện và xây dựng trên cơ sở hài hòa lợi ích quốc gia và tuân thủ nguyên tắc quốc tế. Chính phủ đã tiến hành các biện pháp mang tính tích cực thể hiện tinh thần chủ động hội nhập của Việt Nam. Cụ thể là:
- Xây dựng và hoàn thiện các thể chế, trước hết là thể chế kinh tế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế về tổ chức và họat động của hệ thống hành chính nhà nước.
- Bảo đảm việc tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh của cơ quan nhà nước, cán bộ công chức nhà nước.
- Đổi mới quy trình xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Thu nhận ý kiến của công chúng, nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế và khu vực. Việt Nam đã chấp nhận nghĩa vụ cho phép một khoảng thời gian hợp lý, không ít hơn 60 ngày, để cho các cá nhân và tổ chức có liên quan, kể cả nước ngoài, được biết và đóng góp ý kiến trước khi các văn bản quy phạm pháp luật được thông qua.
- Các bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương cải tiến phương thức, lề lối làm việc của cơ quan hành chính các cấp. Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2011 với mục tiêu xây dựng một nền hành chính vững mạnh, trong sạch, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn đã được tiến hành từ 2005 với 4 nội dung chủ yếu là cải cách thể chế hành chính, cải cách bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu hội nhập và cải cách tổ chức công quyền.
- Bộ máy hành chính đã giảm dần các đầu mối quản lý, số lượng các cơ quan quản lý nhà nước đã giảm xuống đáng kể, theo đó thủ tục hành chính được cải cách theo hướng một cửa, mẫu hóa các văn bản hành chính đã góp phần hạn chế sự sách nhiễu, phiền hà, tham nhũng của các cán bộ công chức hành chính trong khi giải quyết các công việc của công dân. Đây là điểm căn bản nhất của cải cách hành chính góp phần tạo tâm lý thỏa mái cho các nhà đầu tư.
- Thực hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử trong cam kết gia nhập WTO. Việt Nam đã từng bước loại bỏ chế độ hai giá, hai chính sách khác nhau giữa trong nước và nước ngoài. Theo các quy định pháp luật của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Việt Nam không áp dụng tỷ lệ xuất khẩu bắt buộc đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; bãi bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế số lượng hàng nhập khẩu; bãi bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản và trợ cấp có liên quan đến nội địa hoá.
Một số dự đoán về ngành dịch vụ trong thời gian sắp tới
Trong thời gian tới, doanh nghiệp nước ngoài sẽ vào Việt Nam nhiều hơn. Tình hình cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ sẽ gay gắt hơn, đồng thời cũng cho phép doanh nghiệp Việt Nam liên kết để cùng phát triển. Vì vậy những doanh nghiệp nào không chịu đổi mới, không đầu tư phát triển sẽ phải gặp khó khăn trong tương lai. Bên cạnh đó, dịch vụ thương mại sẽ có nhiều thay đổi với nhiều loại hình phân phối ra đời, các chuỗi cung ứng ngày càng nhiều, phương thức nhượng quyền thương mại phát triển đa dạng, cạnh tranh lớn trên thị trường bán lẻ. Dịch vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán sẽ có nhiều công ty tham gia… Hoạt động dịch vụ trong nước sẽ phát triển đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.
Ngành dịch vụ sẽ ngày càng được quốc tế hóa và chuẩn hóa: các loại quy chuẩn trong ngành sẽ xuất hiện và ảnh hưởng theo chiều hướng tích cực đến chất lượng cung cấp. Chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ tiếp tục tăng: Làn sóng đầu tư trực tiếp và gián tiếp sẽ tiếp tục tăng theo hướng đi vào các thị trường ngành, các phân ngành dịch vụ hiện đại. Một số ngành sẽ có bước phát triển mạnh như dịch vụ tư vấn, bảo hiểm, du lịch… Điều này sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, đa dạng hóa sản phẩm cung ứng, giá cả cạnh tranh… Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam.
Ngoài ra, hiện tượng mua bán và sáp nhập và phá sản sẽ tiếp tục tăng. Hậu quả hệ lụy có thể dẫn đến nhiều tranh chấp, kiện tụng. Đặc biệt, hiện tượng này làm xuất hiện và gia tăng nhu cầu đánh giá tài sản doanh nghiệp. Điều này có thể thúc đẩy thị trường dịch vụ tư vấn pháp lý, định giá tài sản. Để đáp ứng nhu cầu đổi mới, nhiều chính sách quản lý liên quan đến dịch vụ sẽ phải thay đổi để theo hướng ngày càng minh bạch hóa, bỏ trợ cấp không phù hợp. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển, giảm chi phí trung gian và đồng thời cũng buộc các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy trong quản lý kinh doanh, chủ động đối mới, không trông chờ dựa dẫm vào Nhà nước. Các cơ quan Bộ cũng cần đổi mới theo hướng vừa quản lý được sự phát triển của khu vực dịch vụ vừa có những chính sách thúc đẩy hỗ trợ phát triển mà WTO không cấm.
Nguồn: http://www.itpc.gov.vn/
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời'
- Kịch bản khiến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đột ngột ngừng lại vào tháng 6
- Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
- Mỹ giảm mạnh thuế nhập khẩu kiện hàng có giá trị thấp từ Trung Quốc